Tập tính Pyrocephalus obscurus

Chim đớp ruồi đỏ son thường sống đơn độc, đôi khi tạo thành bầy nhỏ không quá năm cá thể vào mùa đông. Chúng dành phần lớn thời gian đậu trên cây và chỉ hạ cánh trên mặt đất khi bắt côn trùng. Loài chim này thường không nhảy, thích bay xung quanh và ít khi lượn trong không trung.[2]

Sinh sản và làm tổ

Về mặt tổ chức xã hội, chim đớp ruồi đỏ là loài đơn phối ngẫu. Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng cũng tham gia giao phối ngoại đôi. Cả con trống lẫn con mái đều giao phối với những cá thể khác ngoài bạn đời của chúng. Một nghiên cứu năm 2002 cho thấy 11% chim non sinh ra là từ giao phối ngoại đôi. Ngoài ra, loài chim này còn có thói quen ký sinh nuôi dưỡng. Trong đó, con mái đẻ trứng trong tổ của một cá thể cùng loài khác. Có đến 9,5 đến 19% số lượng chim non sinh ra nhờ kết quả của quá trình này. Con mái thường dành phần lớn thời gian sống xa tổ. Điều này cho phép con mái khác đến đẻ trứng khi chúng vắng mặt. Đây đơn giản là một dạng ký sinh, vì tổ của cặp chim bị ký sinh không có lợi. Mặc dù vậy, đối với những cá thể lăng nhăng, điều này có thể tạo ra tính thích ứng về mặt di truyền. Theo đó, khi một con trống giao phối với nhiều cá thể mái khác nhau, nếu sau đó những cá thể mái ấy đẻ trứng vào những chiếc tổ khác, thì khả năng trứng vốn có nguồn gốc từ tinh dịch của con trống đó trở về với chính nó sẽ tăng lên. Điều này giúp bạn tình của con trống đỡ phải trải qua giai đoạn mang thai vốn tốn nhiều năng lượng, đồng thời cho phép con mái khác bỏ qua giai đoạn nuôi con nhờ vào việc giao trứng của mình cho cá thể khác chăm sóc hộ. Bên cạnh đó, một con trống có thể cho phép một con mái ký sinh trong tổ của nó để đổi lấy việc giao phối.[18] Chim đớp ruồi đỏ son cũng thường xuyên bị những cá thể Molothrus ater ký sinh nuôi dưỡng.[2][21] Trong mùa sinh sản, con trống sẽ thành lập lãnh thổ cũng như xông xáo bảo vệ khu vực đó. Lúc ấy, lông trên đỉnh đầu và đuôi của chúng sẽ xù lên. Đôi khi chim trống cũng vừa xù đuôi vừa búng mỏ. Chúng sẽ đuổi bất kỳ cá thể trống nào dám bén mảng đến lãnh thổ của mình. Chim non mới lọt lòng cũng hỗ trợ bố mẹ xua đuổi các loài chim khác. Trong mùa sinh sản, con trống sẽ tán tỉnh bạn tình bằng cách khoe lông trên đỉnh đầu và lông vũ trên ngực, vừa vẫy đuôi, vừa bay lượn chập chờn và hót cho chim mái.[2][14]

Trứng của chim đớp ruồi đỏ son

Khi tìm được bạn tình, con trống sẽ chọn một nơi thích hợp cho con mái xây dựng tổ. Tổ của chim đớp ruồi đỏ son có dạng hình cái chén, nông, được lợp bằng nhiều cành cây nhỏ cùng các vật liệu mềm, lót bằng lông chim. Xung quanh tổ phủ địa y, bện chặt với nhau bằng tơ nhện. Con mái rung lắc cơ thể để tạo hình chiếc tổ. Ngay cả sau khi hoàn thành, những cá thể mái vẫn sẽ tìm thêm những vật liệu cách điện khác, chẳng hạn như các phần của thân cây, tóc, lông hoặc sợi dây để bổ sung vào chiếc tổ của chúng. Kích thước trung bình của một chiếc tổ là khoảng 64–76 mm (2,5–3,0 in) theo chiều ngang, cao 25–51 mm (0,98–2,01 in), với độ sâu từ mép đến đáy là 25 mm (0,98 in).[2] Vị trí đặt tổ cách mặt đất 6 ft (1,8 m), thường nằm giữa hai nhánh cây. Có khoảng 12% số lượng tổ sẽ được chim đớp ruồi đỏ son tái sử dụng. Những chiếc tổ cũ có thể bị chính loài chim này trộm vật liệu nhằm phục vụ cho quá trình xây tổ mới.[22]

Thời kỳ đẻ trứng bắt đầu vào tháng 3 và kéo dài đến tháng 6. Chim mái đẻ trứng một lần mỗi ngày vào lúc bình minh. Kích thước trung bình của những quả trứng là 17 mm (0,67 in) × 13 mm (0,51 in), cân nặng trung bình là 1,6 g (0,06 oz), chiếm khoảng 11% khối lượng cơ thể chim mẹ. Trứng có màu trắng xỉn, ở phần đỉnh to hơn gồm nhiều đốm màu nâu lớn xếp thành hình vòng hoa. Màu sắc của các quả trứng không hề cố định. Tỷ dụ, những đốm trên trứng có thể xuất hiện nhiều hơn, trong khi phần vỏ sẽ có màu kem, màu rám nắng hoặc nâu. Thường thì tổ của loài chim này chứa hai hoặc ba quả trứng, nhưng đôi khi có thể lên đến bốn quả.[2] Thời gian ấp trứng kéo dài từ 13 đến 15 ngày. Trong thời gian ấy, bất chấp con mái không đòi hỏi được cho ăn, con trống vẫn sẽ bón thức ăn cho nó. Việc này đôi khi kèm theo điều kiện giao phối. Khi ở trong tổ, chim mái rất ân cần, vì con non sinh ra rất yếu ớt nên không có khả năng chống đỡ. Lúc đó, cả bố lẫn mẹ đều sẽ cùng nhau cho con non ăn. Chim bố đảm nhiệm việc săn sóc con non còn chim mẹ thì lo xây tổ mới.[2][23] Đáng chú ý, loài chim này có thể sử dụng lại chiếc tổ của mình trong cùng một mùa, nhưng điều này không phổ biến bởi có một nghiên cứu cho thấy rằng có 12% số tổ được tái sử dụng khi và chỉ khi cặp chim thành công trong việc nuôi dưỡng con non của chúng. Việc tái sử dụng tổ góp phần tiết kiệm thời gian và năng lượng, cho dù thi thoảng phải đánh đổi bằng việc bị ký sinh trùng xâm nhập.[24] Chim non mở mắt bốn ngày sau khi nở và sẵn sàng rời tổ sau 15 ngày. Tuy những con non này đều được nuôi dưỡng để tách khỏi bố mẹ cùng một thời điểm, nhưng một số cá thể vẫn rời tổ sớm hơn so với anh chị em của chúng. Ngoài ra, nếu có xáo trộn, chim non hơn 11 ngày tuổi sẽ vội vã rời bỏ tổ. Thường thì những cá thể mái sẽ sinh hai lứa mỗi năm. Mặc dù vậy, trong vài trường hợp, chúng có thể sinh đến ba lứa.[2][23]

Từng giai đoạn phát triển của chim đớp ruồi đỏ son
  • Chim non chưa thay lông
  • Một cá thể tiền trưởng thành ở Lima, Peru với bộ lông mỏng
  • Một con chim trống bên chiếc tổ

Kiếm ăn

Một cá thể đang bắt mồi

Mặc dù chưa có nghiên cứu kỹ lưỡng về thành phần chính xác trong chế độ ăn uống của chim đớp ruồi đỏ son, nhưng loài chim này chủ yếu ăn côn trùng như ruồi, châu chấubọ cánh cứng. Chúng thường bắt con mồi trong không trung ngay sau khi bay vụt ra từ một nhánh cây.[2][25] Bên cạnh đó, đây còn là một loài săn mồi cơ hội. Quan sát chỉ ra chúng ăn nhỏ, nhưng không rõ từng ăn cỏ cây hoa lá hay chưa.[2][26] Ngoài cá thì ong cũng là một con mồi của loài chim này. Khi ăn, chúng sẽ mửa ra những bộ phận khó tiêu của côn trùng sau đó nuốt lại dưới dạng viên.[23] Trong khi chờ con mồi, chúng sẽ đậu trên những nhánh cây mỏng, quẫy đuôi lên xuống.[14] Chim đớp ruồi đỏ son dành khoảng 90% thời gian hoạt động trong ngày của mình ở trên cành cây, trong khi 4–11% thời gian còn lại là dùng để săn đuổi con mồi. Khi con mồi lộ diện, chúng ngay lập tức bay vụt khỏi chỗ đậu và đuổi theo. Nếu những con côn trùng may mắn thoát nạn trong lần săn bắt đầu tiên, loài chim này sẽ bay nhanh hết khả năng để chộp cho bằng được. Chiến lợi phẩm thu được sẽ bị nện nát bét trước khi đưa vào bụng. Thỉnh thoảng, chim đớp ruồi đỏ son còn bắt côn trùng ngay trên mặt đất, hoặc ở độ cao 3 m (9,8 ft) so với mặt đất. Chúng hiếm khi săn bắt con mồi trên mặt nước.[2]

Khả năng sinh tồn

Người ta vẫn biết rất ít về mối đe dọa của chim đớp ruồi đỏ son. Vài báo cáo bất thường từng lưu ý đến các loài quạ thuộc chi Aphelocoma hoặc đề cập đến việc một nhóm chim non bị kiến lửa ăn thịt. Cá thể được ghi nhận sống lâu nhất có tuổi thọ năm năm rưỡi. Tuy nhiên, những số liệu về tuổi thọ cũng như nguyên nhân tử vong vẫn còn khá ít. Trong một nghiên cứu được thực hiện ở Texas, Hoa Kỳ, tỷ lệ trứng mà chim mẹ sinh ra sống sót đến khi trở thành con non dao động từ 59 đến 80%. Trong đó, ở những chiếc tổ nuôi con bất thành, có đến phân nửa chứa trứng và nửa trong số này là chim mới chào đời. Có hai nguyên nhân lý giải cho điều này: thứ nhất, chim bố hoặc chim mẹ bỏ tổ; thứ hai, trứng bị hỏng. Một nghiên cứu tương tự ở Ecuador cho thấy tỷ lệ trứng được nuôi thành công chỉ từ 20 đến 59%.[2]

Các loài ký sinh cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến loài chim này. Trong đó, ve Dermanyssus là tác nhân chủ yếu. Mặc dù vậy, một nghiên cứu năm 2008 cho thấy những con ve không gây tác động nhiều đến sự thành bại của quá trình ấp trứng và việc tái sử dụng tổ không hề khiến số lượng loài ký sinh này tăng lên. Chim non vẫn có thể chào đời và lớn lên ngay trong những chiếc tổ có ve Dermanyssus sinh sống, trong khi những chiếc tổ lân cận chẳng hề nuôi được con non nào cả, bất chấp những chiếc tổ này không bị ve ký sinh. Riêng loài ruồi, tuy không trực tiếp ký sinh nhưng chúng có thể đẻ trứng trong tổ của chim đớp ruồi đỏ son nhằm cung cấp nơi trú ẩn cho ấu trùng dòi.[24]

Mặc dù các chứng bệnh của chim đớp ruồi đỏ son vẫn chưa được nghiên cứu kỹ, nhưng người ta vẫn nắm rõ các bệnh gây ảnh hưởng lên loài chim đớp ruồi Galapagos. Theo đó, những chứng bệnh này thường gây hại tới các loài họ hàng khác của chim đớp ruồi San Cristóbal. Có thể kể đến một số căn bệnh du nhập, tác động tiêu cực đến loài này như sốt rét gia cầm, bệnh Marek, bệnh gà rù và nhiều bệnh khác.[27] Bên cạnh đó, virus thủy đậu và chứng loét diều chim (gây ra bởi loài trùng roi ruột non) cũng phần nào là nguyên nhân khiến cho các loài chị em của chim đớp ruồi Galapagos rơi vào tình trạng tuyệt chủng.[28]